Ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề

Sự phát triển phức tạp của làng nghề tại Hà Nội trong thời gian gần đây đã khiến môi trường nước ở những nơi này bị ô nhiễm nghiêm trọng và người dân làng nghề đang là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả.

 Sống chung với ô nhiễm

Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 10 km, song khi về Tân Triều, khó ai có thể tin rằng đây là một xã thủ đô bởi sự nhếch nhác và ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề gây ra.

Tân Triều có 2 làng, làng Triều Khúc và làng Yên Xá, trong đó, làng Triều Khúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa. Từ thập niên 90 trở lại đây, các ngành nghề phụ với mức thu nhập cao từ Triều Khúc cũng bắt đầu lan sang làng Yên Xá, vốn trước đây là làng thuần nông.

Theo thống kê của UBND xã Tân Triều, tính đến cuối năm 2013, toàn xã có 201 cơ sở sản xuất thuộc 8 ngành nghề khác nhau, gồm: Thu mua phế liệu, sơ chế lông vũ, tái chế nhựa, nhuộm hấp chỉ, xay xát nhựa phế liệu, sản xuất nước uống đóng chai, rút chỉ đồng. Trong đó, đông nhất vẫn là nghề xay xát và tái chế nhựa.

Ông Trịnh Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, sự phát triển đa ngành nghề, nhất là hoạt động xay xát, tái chế nhựa phế liệu, sơ chế lông vũ, nhuộm hấp chỉ… đang khiến môi trường của làng bị ô nhiễm.

Trên khắp các con ngõ nhỏ của làng Triều Khúc, nơi tập trung chủ yếu các hộ làm nghề xay xát và tái chế nhựa của xã Tân Triều, người ta có thể thấy các bao tải nhựa phế liệu được thu gom về chất đống ở các bờ tường, bên cạnh các lối đi, có chỗ còn cao ngang mái nhà.

Các rãnh thoát nước trong làng, mặc dù đã được bê tông hóa song vẫn bốc lên mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng đều xả thẳng xuống cống chung mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào.

Vừa thoăn thoắt cắt những chiếc vỏ chai nhựa được thu gom về chuẩn bị cho mẻ xay mới, vợ chồng bà Thảo cho biết, nước thải từ quá trình xay xát nhựa tại gia đình bà được xả thẳng xuống cống chung chứ không qua hệ thống xử lý nào. “Toàn nước sạch rửa nhựa chứ có bẩn đâu mà phải xử lý”, chồng bà Thảo nói.

Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh Triều Khúc bị ô nhiễm nặng. Hầu hết các ao hồ trong làng đều không thể nuôi được cá do tiếp nhận một lượng nước thải do sản xuất rất lớn. Ngay bên cạnh trụ sở UBND xã, đầu ra của cống nước thải chung của xã, nước cũng đen ngòm và thường xuyên bốc mùi, nhất là vào những ngày nắng nóng.

     Ô nhiễm đã tới mức báo động

Triều Khúc không phải là làng nghề duy nhất trên địa bàn Hà Nội gây ô nhiễm môi trường nước. Sự phát triển phức tạp của làng nghề tại Hà Nội trong thời gian gần đây đã khiến môi trường nước ở những nơi này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo số liệu của Sở Công thương thành phố Hà Nội đưa ra vào năm ngoái, Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề trong đó có 286 làng nghề truyền thống được công nhận. Số lượng làng nghề tập trung đông đúc trên địa bàn thành phố đang thải ra môi trường ao hồ xung quanh một lượng nước thải lớn.

Theo con số được công bố trong Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn, lượng nước thải sản xuất có nơi lên đến 7.000 m3/ngày (như các làng Dưỡng Liễu, Cát Quế thuộc huyện Hoài Đức). Nơi ít nhất cũng thải ra môi trường 1.000 m3 mỗi ngày.

Điều đáng nói là hầu hết nước thải sản xuất tại các làng nghề tại Hà Nội đều được thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Báo cáo của Bộ TNMT cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn Coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt, có nơi lên tới hàng ngàn lần.

Với hàm lượng các chất ô nhiễm rất cao, việc xả thẳng nước thải khối lượng lớn tại các làng nghề ra môi trường đã khiến hệ thống nước mặt cũng như nước ngầm tại các làng nghề Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Kết quả khảo sát 43 làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội được công bố mới đây của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội cho thấy môi trường nước tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đều bị ô nhiễm, có nơi đã đến mức báo động.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội được thực hiện năm 2013 tại 7 làng nghề trên địa bàn Hà Nội cho thấy, cả nguồn nước ngầm và ao hồ, kênh mương thủy lợi ở những nơi này bị ô nhiễm bởi các chất hóa học độc hại.

     Người dân lãnh hậu quả

Ông Vũ Văn Lên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, người có hơn 30 năm gắn bó với công việc theo dõi sức khỏe tại địa phương cho biết, vào khoảng những năm 90 trở về trước, chỉ có người dân làng Triều Khúc làm nghề thu gom lông vũ và tái chế phế liệu còn làng Yên Xá là làng thuần nông. Do vậy, trong thời gian này, chỉ có người dân Triều Khúc có bệnh ung thư chứ người dân Yên Xá không có. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó, các trường hợp tử vong vì bệnh ung thư xuất hiện tại cả 2 làng và có dấu hiệu tăng lên.

“Nguyên nhân là do từ những năm 90, nghề nghiệp của làng Triều Khúc bắt đầu tràn sang Yên Xá. Và từ đó, làng Yên Xá bắt đầu xuất hiện bệnh ung thư”, ông Lên nói. Ông Lên cho rằng, đây là một bằng chứng cho thấy, hoạt động làng nghề tái Tân Triều đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân.

Quan sát của ông Lên tại làng nghề Triều Khúc đang phản ánh một thực tế phổ biến: Hoạt động của các làng nghề đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân. Báo cáo của Bộ TNMT từ năm 2008 cho thấy, tỷ lệ những người mắc bệnh tại các làng nghề (đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động) có xu hướng tăng. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cũng khẳng định, tuổi thọ trung bình của những người dân làng nghề thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5 – 10 năm so với các làng không làm nghề.

Không chỉ làm gia tăng “gánh nặng bệnh tật”, ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước làng nghề còn gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế. Đầu tháng 1 năm nay, nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ được người dân xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Tây lấy về kênh Vân Đình để đổ ải cho vụ xuân 2014 đã ngấm vào ao nuôi thủy sản, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại nhà nhiều hộ dân, gây ra thiệt hại rất lớn.

GS. Đặng Kim Chi, nguyên Chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước nghiên cứu về môi trường các làng nghề Việt nam (KC 08-09) và cũng là người tham gia xây dựng Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2008 về môi trường làng nghề thừa nhận: Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã rất tích cực trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, song nói chung, tình hình ô nhiễm nước thải làng nghề trong những năm gần đây chưa được cải thiện đáng kể so với trước và người dân vẫn đang hàng ngày phải gánh chịu những hậu quả do ô nhiễm làng nghề mang lại.

 

     Theo Sở Công Thương Hà Nội, để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, thành phố Hà Nội cần một khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2021 – 2030 cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.