Xử lý rác thải nông thôn

Thời gian gần đây, tình trạng ùn đọng rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết và khu dân cư đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt người dân. Giải quyết bài toán rác thải nông thôn đã được đặt ra từ lâu, song đến nay hiệu quả đạt được vẫn rất hạn chế.

Rác ngập khắp nơi

Tại bãi rác xã Hoàng Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) vào đầu tháng 6-2020, từ xa đã cảm nhận mùi hôi bốc lên nồng nặc. Rác ùn ứ tại bãi tập kết tràn ra đường đi, xuống cả kênh mương khiến những người đi qua đây cảm thấy ngộp thở. Anh Chiến (xã Hoàng Xá) cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là điểm tập kết rác thải tại xóm tồn đọng rác quá lâu, một số người dân vứt rác tràn lan ra môi trường. Mỗi khi lượng rác thải tập kết về nhiều, một số người mang xăng đến đốt khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Dọc triền đê tả Hồng các xã Mê Linh, Văn Khê (huyện Mê Linh) có tới hàng chục điểm tập kết rác tự phát. Bà Nguyễn Thị Thu, xã Tráng Việt, Đông Anh cho biết: “Những đống rác thải này thường tồn đọng nhiều ngày. Mỗi khi trời mưa, nước rỉ rác lênh láng khắp mặt đường, đọng vũng lớn, gây ô nhiễm môi trường. Rác thải ở đây thường lưu 5 – 7 ngày, thậm chí 10 ngày mới được vận chuyển, rất mất vệ sinh”, bà nói.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức… rác thải tồn đọng ở nhiều các bãi tập kết do lượng rác phát sinh hằng ngày lớn hơn dự kiến. Trong khi theo quy định, cứ hai ngày công nhân môi trường phải thu gom, vận chuyển rác một lần. Song, thực tế sau đến ba tuần, đơn vị thu gom mới tới vận chuyển rác đi xử lý…

Tại Bắc Ninh, mỗi ngày ở vùng nông thôn thải ra gần 400 tấn rác sinh hoạt các loại, nhưng chỉ có hơn 20% được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Ở các làng nghề thuộc thị xã Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình…, lượng rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch. Cả tỉnh có 125 xã, phường, thị trấn nhưng mới chỉ có ba địa phương là thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành), thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ), thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) thành lập được hợp tác xã dịch vụ – môi trường. Còn lại một số thôn, cụm công nghiệp làng nghề tuy có tổ vệ sinh môi trường nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp.

Chưa đủ năng lực xử lý

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có gần 5.000 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm với quy mô công nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm do tư nhân làm chủ. Hằng năm, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm thải vào môi trường với khối lượng khá lớn chất thải dưới ba dạng rắn, lỏng và khí. Đặc trưng chất thải rắn của các cơ sở này là chất hữu cơ phân hủy và bốc mùi hôi, ảnh hưởng trực tiếp môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn.

Hiện nay, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa thật sự được coi trọng, dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phát triển đúng mức. Hiện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% – 55%. Phần lớn chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh chiếm diện tích lớn. Trong khi mô hình xử lý, thu gom rác chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm tập kết và doanh nghiệp thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất… dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư. Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Môi trường cho biết: Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập, việc quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Việc đầu tư công tác quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, xã hội, tự nhiên từng địa phương, từng vùng miền. Mặt khác, các địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn vận hành lò đốt, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.

Nguồn:  Thời nay – Bùi Nhân.