Hiệu quả sử dụng chế phẩm Sagi Bio 1 trong chăn nuôi

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, góp phần thúc đẩy quá trình CNH – HĐH nông thôn tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, các loại phế thải, chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) nói riêng đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước những yêu cầu thực tế của công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã có nhiều chế phẩm sinh học, vi sinh vật được ứng dụng và triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu tối đa tác động từ hoạt động chăn nuôi GSGC.

Năm 2007, được sự hướng dẫn và chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Công nghệ và Môi trường Hà Nội; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã triển khai ứng dụng chế phẩm Sagi Bio vào xử lý phế thải nông nghiệp, thí điểm tại 2 xã của huyện Vĩnh Tường, sau đó triển khai nhân rộng hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Kết quả triển khai nhân rộng được người dân trong tỉnh đánh giá cao. Qua thực tế ứng dụng tại các địa phương cho thấy, việc sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong quá trình xử lý rơm rạ và các chất thải hữu cơ đã rút ngắn được thời gian ủ, không sinh ra mùi hôi thối, tiêu diệt được các vi sinh vật gây bệnh có trong chất thải, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ sạch hơn. Đối với phân GSGC, nếu ủ theo quy trình thông thường vừa phải tốn kém chi phí mua vôi bột lại vừa mất nhiều thời gian (từ 2 – 3 tháng) để ủ; trong khi sử dụng chế phẩm Biomix 1 thì chỉ mất 15 – 20 ngày là phân hoàn toàn hoai mục, mất mùi hôi thối. Do đó, có thể thấy hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội của chế phẩm Biomix1 mang lại chính là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các loại phế thải trong sản xuất nông nghiệp.

Tiếp nối thành công của chế phẩm Biomix 1, năm 2011, với nguồn kinh phí hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã tiếp nhận và sản xuất chế phẩm Sagi Bio 1 (Biomix 2) theo công nghệ của Viện Công nghệ và Môi trường Việt Nam. Theo đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật hữu ích bổ sung vào chất độn lót chuồng nuôi gia cầm để khử mùi hôi và xử lý phân gia cầm làm giảm ô nhiễm môi trường”. Đề tài đã được triển khai thực hiện thí điểm tại một số hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Thanh Vân (Tam Dương) với sự hỗ trợ của một số đơn vị chức năng như: Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Vĩnh Phúc. Kết quả khảo nghiệm tại 18 hộ chăn nuôi gia cầm tại huyện Tam Dương cho thấy, sử dụng chế phẩm bổ sung vào chất động chuồng sau 5 ngày tiến hành phun dung dịch, mùi hôi tanh của chuồng trại đã giảm dần và sau 12 ngày đã giảm rõ rệt; thời gian giữa các đợt bổ sung trấu lót sàn chuồng trại kéo dài thêm từ 3 – 5 tuần; mật độ các loại vi sinh vật có hại giảm mạnh: Nấm mốc giảm 300 lần, salmonella giảm 400 lần, colifom giảm 500 – 600 lần. Các vi sinh vật hữu ích tăng mạnh: Vi khuẩn Lactobacillus tăng 400 – 500 lần, xạ khuẩn Streptomyces tăng 300 – 400 lần. Không chỉ mang lại hiệu quả về mặt giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chế phẩm Sagi Bio 1 còn cho thấy, hiệu quả về kinh tế cho người chăn nuôi do chỉ phun một lần duy nhất trên 1 lần xử lý, không phải rắc vôi bột và kéo dài thời gian sử dụng chất độn. Do vậy giảm được nhiều chi phí mua chất lót chuồng cũng như chi phí công lao động dọn chuồng; môi trường sống của vật nuôi được đảm bảo, vi sinh vật gây bệnh giảm nên ít xảy ra bệnh dịch, từ đó, giảm được các chi phí mua thuốc phòng và chữa bệnh cho đàn vật nuôi.

Chia sẻ những kinh nghiệm và lợi ích khi sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia cầm, Bà Phan Thị Nhung ở thôn Phú Thị, xã Thanh Vân cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi gà Ai Cập từ năm 2010, hiện nay, gia đình luôn duy trì khoảng trên 1.000 con. Để xử lý phân và các phế phẩm từ chăn nuôi, tôi thường áp dụng biện pháp thủ công là giải trấu lên sàn chuồng. Tuy nhiên, phương pháp này không thực sự mang lại hiệu quả, chuồng trại vẫn có mùi hôi tanh. Sau khi tham dự các lớp tập huấn do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc tổ chức, năm 2013, tôi đã mua và dùng thử 5 lít chế phẩm Biomix 1 để trộn với trấu rải đều 150m2 sàn chuồng. Nếu như trước đây, trung bình cứ 1 – 2 tháng, gia đình tôi phải mua 2 tạ trấu để rải chuồng, thì nay sử dụng cùng với chế phẩm Biomix 1, trung bình 4 – 5 tháng mới phải dọn chuồng và thay trấu; đồng thời, giảm đáng kể lượng trấu cần mua (chỉ cần mua hơn 1 tạ trấu cho 1 lứa gà). Nhận thấy hiệu quả về kinh tế và tác dụng rõ rệt trong việc giải quyết vấn đề môi trường, gia đình tôi tin tưởng và sử dụng thường xuyên chế phẩm này.” Tháng 10/2014 vừa qua, gia đình bà Nhung cùng với 140 hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Thanh Vân được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học Sagi Bio 1 (Biomix 2) trong chăn nuôi do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Vĩnh Phúc tổ chức. Hiện nay, các hộ gia đình đang sử dụng chế phẩm này đều đánh giá cao hiệu quả, chất lượng của Biomix 2: Giảm mùi hôi thối phát sinh trong quá trình chăn nuôi gia cầm, từ đó giảm được lượng lớn ruồi nhặng trong khu vực chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người và vật nuôi; chất thải chăn nuôi được xử lý ngay từ khi mới phát sinh, chỉ cần thời gian ủ rất ngắn đã có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Theo các hộ chăn nuôi tại xã Thanh Vân, nhờ rút ngắn được thời gian ủ và xử lý nên phân chuồng sau khi chăn nuôi được dùng phổ biến trong trồng trọt. Hàng năm, sau mỗi lứa gà, người chăn nuôi nơi đây có thể thu được trên dưới 1 tấn phân/1.000 con gà Ai Cập; với giá bán 80.000 đồng/tạ phân chuồng, mỗi hộ chăn nuôi có thể thu lợi trung bình 1 triệu đồng từ việc bán phân chuồng cho người dân các vùng Mê Linh, Thái Nguyên, Lạng Sơn…

Với những ưu điểm vượt trội trong việc xử lý chất thải từ chăn nuôi; có thể khẳng định, chế phẩm Sagi Bio 1 đang ngày càng đạt hiệu quả, góp phần hỗ trợ đắc lực cho người chăn nuôi, giải quyết triệt để những tác động tiêu cực lên môi trường sống và môi trường chăn nuôi. Tuy nhiên, để triển khai nhân rộng việc sử dụng chế phẩm này tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn tiếp theo cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp và sự tham gia, ủng hộ cũng như ý thức BVMT của chính những hộ chăn nuôi gia cầm.

Việt Sơn